CÙNG HSIEHS BIOTECH
CHỦ ĐỘNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CỦA BẠN

Khi tế bào "nổi loạn"

2020-09-11

Tế bào được xem là một xã hội thu nhỏ và là sự tổng hòa của nhiều đơn vị chức năng. Một tế bào bị mất kiểm soát sẽ dẫn đến mất kiểm soát hàng loạt tế bào liên quan.


Khi một tế bào bị tấn công bởi các tác nhân bên ngoài (như các chất gây ung thư, virus hoặc sự hiện diện quá nhiều gốc tự do), nhân của tế bào sẽ bị tổn thương, nhất là ADN. Tổn thương ADN là nguyên nhân hình thành gene đột biến trong quá trình sao chép thông tin di truyền.


Không may là sự tấn công này thường xuyên diễn ra. Những tế bào tổn thương trở nên mất kiểm soát và không thực hiện đúng chức năng đã được chuyên biệt hóa. Điều thú vị là các cơ quan trong cơ thể luôn thực hiện cơ chế ngăn chặn các tế bào bị sai hỏng, kiểm soát chặt chẽ bằng cách thiết lập những nguyên tắc nhằm đảm bảo các mã di truyền được dịch mã một cách chính xác. Điều này cho phép tiêu hủy nhanh chóng bất kỳ tế bào mất kiểm soát nào nhằm duy trì chức năng sống của cơ thể.


Tuy nhiên, nguyên tắc này không bao giờ hoàn hảo. Một vài tế bào kiểm soát toàn bộ sự đột biến gene bằng cách bao lấy tế bào tổn thương và hình thành nên khối u. Ung thư xảy ra khi tế bào không còn thực hiện chức năng được phân công trong hệ thống tế bào. Nhưng các tế bào mất kiểm soát vẫn “thừa hưởng” bản năng sinh tồn mãnh liệt vốn có từ tế bào “thủy tổ”.



 

Ảnh hưởng của các gốc tự do lên cơ thể, một trong những nguyên nhân khiến tế bào nổi loạn


- Khi các gốc tự do được tạo ra, cho dù thông qua phơi nhiễm hoặc từ các quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể, chúng sẽ gây tổn thương tế bào một cách tự do, không theo quy luật nào cả.


- Sự có mặt của các gốc tự do tạo ra tình trạng stress oxy hóa trong cơ thể. Gốc tự do là chất có hại, tồn tại ở dạng phân tử hoặc nguyên tử bị mất một điện tử (electron) ở quỹ đạo ngoài cùng. Vì chỉ có một điện tử đơn lẻ, nên gốc tự do luôn ở trạng thái bất ổn và luôn tìm cách chiếm đoạt điện tử của nguyên tử khác, dẫn đến phản ứng dây chuyền hình thành hàng loạt gốc tự do trong một thời gian ngắn. Quá trình này diễn ra theo phản ứng dây chuyền, gây tổn thương màng tế bào, các phân tử protein và ngay cả ADN... Hậu quả là xuất hiện những biến đổi làm tổn hại, rối loạn chức năng, thậm chí gây chết tế bào.


Chính vì nguy hại như vậy, gốc tự do được xem là “sát thủ giấu mặt” gây ra quá trình lão hóa và phần lớn các bệnh tật. Y học hiện đại đã thống kê, sự tấn công của gốc tự do gây ra hơn 60 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt nguy hiểm là các bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, ung thư tác động xấu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.

 

Sự tấn công của ung thư


Chúng ta cần hiểu rằng, hành vi “nổi loạn” của tế bào xảy ra thường xuyên trong suốt quãng đời của chúng mà không nhất thiết dẫn đến ung thư.


Sự phát triển của ung thư nên được hiểu là một hiện tượng xuất hiện từ từ, thầm lặng và âm ỉ qua nhiều năm trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Sự phát triển thầm lặng này cực kỳ quan trọng bởi vì đấy là cơ hội vàng để ta có thể can thiệp vào một trong nhiều giai đoạn phát triển khối u và cô lập các tế bào “nổi loạn”, không cho phép chúng chuyển thành tế bào ung thư trưởng thành.



 

Hầu hết các loại ung thư đều có cùng một quy trình phát triển qua 3 giai đoạn: khai mào, thúc đẩy và tiến triển. Trong đó, chúng ta có thể can thiệp ngay từ giai đoạn đầu (khai mào), khi mà các tế bào chỉ mới tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như tia UV, virus, gốc tự do, khói thuốc và các tác nhân gây ung thư có trong thực phẩm có khả năng làm tổn thương ADN tế bào vĩnh viễn, làm xuất hiện đột biến. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các phân tử hoặc hoạt chất sinh học, chất chống oxy hóa có trong thực vật thiên nhiên có thể kiềm giữ các khối u này trong trạng thái tiềm tàng (không kích hoạt tiến trình ung thư), thậm chí có thể ngăn chặn ung thư phát triển.

 

Nguồn tham khảo: "Chữa trị ung thư bằng ăn uống" - Richard Béliveau, Ph.D. & Denis Gingras, Ph.D.